Hiện nay, thời tiết đang là mùa hè, nắng nóng kéo dài, có thời điểm nhiệt độ cao đến 38 - 400C. Thời gian tới, nắng nóng có xu thế diễn biến bất thường, phức tạp, sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi làm nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là rất cao.
Để chủ động trong phòng, chống nắng nóng và phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến việc phát triển chăn nuôi; Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương khuyến cáo cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi như sau:
1. Đối với chuồng trại và mật độ chuồng nuôi
- Xây dựng chuồng trại: đảm bảo thoáng mát, và làm chuồng cao hơn mặt đất xung quanh 30-40 cm có thể là dưới bóng của tán cây to hoặc xung quanh trồng cây xanh, hướng chuồng theo hướng Đông - Nam là tốt nhất.
- Mái chuồng: nên lợp bằng mái ngói, fibro xi măng hoặc mái lá, thiết kế mái chuồng để lưu thông không khí tốt hơn, mái hiên cách mặt đất tối thiểu 2m, có hệ thống cửa để thông gió.
- Nền chuồng cao ráo, có độ dốc 1-2% để tránh đọng nước, đảm bảo thoát nước tốt, thường xuyên thu dọn, làm vệ sinh sạch sẽ các chất thải (phân, nước tiểu…) sẽ có tác dụng giảm sức nóng và khí độc từ các chất thải bốc lên.
Hình : Mô hình trại heo thịt Công ty cổ phần CP Việt Nam
- Mật độ chuồng nuôi: giảm mật độ nuôi nhốt vật nuôi trong mùa hè, nắng nóng, đảm bảo thường xuyên có đủ nước mát cho gia súc uống, nên tắm cho gia súc 2-3 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể.
- Chống nóng chuồng nuôi:
+ Quạt thông gió: nên đặt quạt thông gió theo thế nằm ngang, quạt theo hướng gió thổi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng đối với gia súc.
+ Đối với hệ thống chuồng kín: cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng nuôi.
+ Đối với hệ thống chuồng hở: nên có phên che, rèm che chống nắng xung quanh chuồng nuôi, dùng lưới đen che chắn, hàng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt độ.
+ Giàn mưa, phun ẩm: là hệ thống phun sương lên nóc chuồng nuôi, nhằm giảm nhiệt độ mái chuồng lúc trời nắng to khi nhiệt độ bên ngoài trời lên cao trên 350C. Khi phun sương cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước ở xung quanh để tránh làm tăng ẩm độ trong chuồng, tuyệt đối không phun nước trực tiếp lên đàn gia cầm.
Hình : Mô hình chăn nuôi gà
2. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng:
2.1. Biện pháp chung
- Tăng cường thức ăn xanh như rau, củ, quả tươi và các loại vitamin..., tăng cường chất đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần ăn.
- Những đợt nắng nóng kéo dài, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường cho ăn vào ban ngày chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày.
- Thường xuyên có đủ nước sạch và mát cho đàn vật nuôi uống, tốt nhất nên lắp hệ thống nước uống tự động để luôn cấp đủ nước sạch.
- Vào những ngày nắng nóng, pha vào nước cho gia súc, gia cầm uống các loại vitamin và các chất điện giải như B.complex, vitamin C… nhằm tăng cường sức đề kháng cho con vật.
2.2. Biện pháp cụ thể
a. Đối với trâu, bò, dê
- Chăn thả gia súc vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, nên buộc trâu bò ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu bò nghỉ ngơi.
- Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 5 - 6 m2/con; dê 1,8 - 2 m2/con.
- Cho uống đủ nước sạch, mát, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 25 - 30 kg thức ăn thô xanh, 0,5 - 1 kg thức ăn tinh, 20 - 30 gam muối ăn; thức ăn xanh, thân lá lạc, ngô, ngọn sắn…), ủ rơm bằng urê cho ăn 3-5 kg/ con/ ngày.
- Nên tắm cho trâu, bò 1-2 lần ngày để giảm nhiệt cho cơ thể và định kỳ vệ sinh thân thể, phòng chống các bệnh ngoài da.
Hình : Trại bò sữa Công ty cô phần đường Bình Dương
b. Đối với heo
- Giảm mật độ nuôi nhốt: Đối với heo nái 3 - 5 m2/con, heo thịt là 1,3 - 1,5 m2/con.
- Cần tắm cho lợn 1 - 2 lần/ngày, buổi sáng thời gian từ 8-9 giờ, buổi chiều từ 15-16 giờ không nên tắm cho lợn vào lúc trời nắng to vào khoảng thời gian từ 11-14 giờ.
- Cho heo uống đủ nước sạch, bổ sung Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải… để heo giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng. Nhu cầu nước uống cho heo con là 0,5 lít/con/ngày, heo thịt từ 10 – 15 lít/con/ngày, heo nái chửa, nuôi con từ 18 – 40 lít/con/ngày.
c. Đối với gia cầm:
- Giảm mật độ nuôi cũng có tác dụng giảm nhiệt độ chuồng nuôi: đối với gà con úm 50 - 60 con/m2; đối với gà 0,5 - 1 kg, nhốt 8 - 12 con/m2; đối với gà 2 - 3 kg, nhốt 3 - 5 con/m2.
- Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn dưới gốc cây quanh chuồng.
- Cung cấp nước sạch, mát, cho uống tự do nhưng không để ẩm ướt nền nhà, đệm lót.
- Đối với gia cầm đẻ trứng nên cho ăn bổ sung thêm canxi, giúp tăng lượng canxi tiêu thụ, cải thiện đáng kể sản lượng trứng và chất lượng vỏ trứng.
- Tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa… cho ăn các loại cám chất lượng tốt.
3. Công tác vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh
Cần thực hiện các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học:
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định để phòng, chống dịch bệnh.
- Tăng cường vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, đảm bảo nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi, và các sinh vật gây bệnh khác.
- Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè (dùng các loại thuốc sát trùng thông dụng như Virkon, Benkocid, HanIodine, Hantox, ...).
- Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, thu gom phân đưa vào hố chứa phân rắc vôi bột trên bề mặt và đậy nắp, định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi.
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm những con bị ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan. Khi có vật nuôi bị ốm, chết cần báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời./.
Phó phòng Quản lý CNTS - Huỳnh Thị Kim Châu