QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHI CỤC CHĂN NUÔI, THÚ Y VÀ THỦY SẢN
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành chăn nuôi, thú y và thủy sản từ trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương ngày nay đã có quá trình hình thành và phát triển như sau:
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975, Chi cục Thú y chưa được hình thành ở cấp tỉnh, chỉ thành lập các bộ phận thú y trực thuộc công ty dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp của huyện, thị và tỉnh.
Năm 1983, căn cứ văn bản số 10/TY-CV ngày 4/4/1983 của Cục Thú y về hướng dẫn việc thành lập Chi cục Thú y ở các tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Sông Bé ban hành Quyết định số 1382/QĐ-UB ngày 28/10/1983 thành lập Chi cục Thú y tỉnh Sông Bé trên cơ sở hợp nhất Trạm Thú y tỉnh với các Trạm và đội Thú y của huyện, thị. Thời điểm này có 09 Trạm Thú y huyện, thị gồm: Phước Long, Bình Long, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An và thị xã Thủ Dầu Một.
Năm 1997, chia tách tỉnh Chi cục được đổi tên thành Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 73/QĐ-UB ngày 06/01/1997 của UBND tỉnh. Đến tháng 4/2016, căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Nội vụ. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 877/QĐ-UBND ngày 15/4/2016, về việc đổi tên Chi cục Thú y thành Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản. Trụ sở tại địa điểm số 60, Lê Thị Trung, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một và hoạt động ổn định đến nay.
Qua quá trình phát triển, đến nay Chi cục có 09 Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện và 02 Trạm Nghiệp vụ là Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật; Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông.
Trải qua chặng đường hơn 20 năm (1997-2017) hình thành và phát triển đầy khó khăn và thử thách, từ những ngày đầu thành lập đơn vị chỉ có khoảng 50 nhân sự trên toàn tỉnh, chưa có hệ thống thú y cơ sở, chỉ có một số lực lượng tham gia hành nghề thú y được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên. Đến năm 2001 bắt đầu có sự tham gia hoạt động mạnh của hệ thống thú y cơ sở và lực lượng này được hưởng chế độ phụ cấp theo Quyết định số 2816/QĐ-UBND ngày 12/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã góp phần cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Đến nay, bộ máy hoạt động của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản bao gồm Ban lãnh đạo có 04 người, 01 Chi cục Trưởng và 03 Phó Chi cục trưởng, Cán bộ đầu ngành có 35 người, có 06 phòng chuyên môn và 11 đơn vị trực thuộc, địa bàn hoạt động trãi rộng khắp tỉnh Bình Dương. Đội ngũ CBCC,VC và người lao động đã tăng lên 260 người và 87 cán bộ thú y phường, xã trọng điểm về chăn nuôi, trong đó số có trình độ đại học và trên đại học 127 người, trung cấp 208 người.
Về tình hình phát triển chăn nuôi trước đây chủ yếu dưới hình thức chăn nuôi hộ gia đình, qui mô chăn nuôi trang trại rất ít. Đến năm 1995 xuất hiện chăn nuôi trang trại với quy mô vừa và nhỏ cùng với thị trường kinh doanh thức ăn chăn nuôi phát triển. Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch động vật xuất tỉnh cũng được triển khai thực hiện mạnh mẽ nhằm góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có gần 900 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (tổng đàn trên 500.000 con gia súc, trên 07 triệu con gia cầm), trong đó có 220 trang trại chăn nuôi công nghệ cao (tổng đàn trên 400.000 con gia súc, trên 05 triệu con gia cầm).
Về cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, ban đầu mỗi huyện, thị đều có 01 lò giết mổ gia súc của nhà nước xây dựng và một số điểm giết mổ tự phát tại nhà hộ dân nhưng đều có sự quản lý của cơ quan thú y. Đến năm 1998 được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận Chi cục đã tham gia xây dựng Đề án Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc tập trung giai đoạn 1998-2000, do thói quen của thương lái giết mổ tại nhà bước đầu gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở giết mổ đầu tiên được thành lập tại thị trấn Uyên Hưng-thị xã Tân Uyên, An Điền-Bến Cát, Thạnh Phú-Thủ Dầu Một, Út Hảo-Dĩ An. Tuy nhiên, với sự nổ lực của tập thể ngành Thú y đến năm 2007 đã có 38 cơ sở giết mổ tập trung và được cải tạo nâng lên dưới hình thức giết mổ treo nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, đã có 47 cơ sở giết mổ với qui mô mở rộng, công suất ngày càng tăng. Theo chủ trương UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1529/QĐ-UBND ngày 22/6/2016 điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 61 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2016-2020 (15 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 31 cơ sở giết mổ gia súc và 15 cơ sở giết mổ gia cầm), tăng 09 cơ sở so với quy hoạch giai đoạn 2011-2015. Tổng công suất bình quân 220 con trâu bò/ngày; 2.450 con heo/ngày và 68.030 con gia cầm/ngày.
Tình hình sản xuất, chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định do dịch bệnh được khống chế tốt, kết hợp với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong tỉnh và các khu vực lân cận.
Theo số liệu điều tra 01/4/2017 của Cục Thống kê: Đàn heo 538.489 con (giảm 0,54%); trâu - bò 29.090 con (tăng 3,48%), gia cầm 8.753.900 con (tăng 2,36%). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 138.176,8 tấn (tăng 6,3%).
Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 382,7 ha, giảm 2,2% so cùng kỳ với sản lượng ước đạt 4.048,4 tấn, tăng 1% so cùng kỳ. Hiện có 217 lồng/59 bè/73 hộ trên sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Dầu Tiếng. Trong năm đã thả 450kg cá giống các loại và 15.000 con cá lóc vào hồ Cần Nôm (huyện Dầu Tiếng) và đập Phước Hòa (huyện Phú Giáo).
Công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật được ngành kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo ngăn chặn giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phát huy thành tích đạt được trong thời gian qua, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Chi cục tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất, cần cù lao động, quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần phục vụ tốt mục tiêu phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp nói riêng và của tỉnh Bình Dương nói chung.