Việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hóa chất trong thực phẩm. Lượng tồn dư này khó loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản, nếu tích tụ sau một thời gian sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh có thể làm xuất hiện các chủng kháng thuốc nên khi điều trị bệnh cho người sẽ không có hiệu quả.
Trong nuôi trồng thủy sản hóa chất, kháng sinh được dùng thông qua việc sử dụng thuốc trị bệnh, thức ăn hoặc môi trường nước sau đó có thể đào thải vào môi trường thông qua con đường nước, phân hoặc thức ăn thừa, sau đó chúng được tiêu thụ bởi cá hoặc động vật không xương sống trong môi trường gần đó. Sự giải phóng kháng sinh trong môi trường thủy sản góp phần làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh trong hệ sinh thái.
Thực hiện chương trình tháng hành động về an toàn thực phẩm (14/4/2020-15/5/2020) trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bình Dương năm 2020. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-CCCNTYTS ngày 06/03/2020 về giám sát sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản năm 2020.
Theo Kế hoạch, Chi cục sẽ tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất nuôi trồng thủy sản nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nâng cao kiến thức, trách nhiệm và thực hành về ATTP cho người tham gia sản xuất, nuôi trồng thủy sản, bảo đảm cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm thủy sản sạch, không gây hại đến sức khỏe cộng đồng.
Hình: Chi cục tổ chức lấy mẫu giám sát hóa chất, kháng sinh cấm tại cơ sở nuôi trồng thủy sản
Lấy mẫu kiểm soát an toàn thực phẩm: Đoàn tiến hành lấy 26 mẫu các loại thủy sản thương phẩm tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh, tiến hành phân tích với các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh Enrofloxacin, Malachite Green, Ciprofloxacin, Chloramphenicol, Gentian Violet thuộc danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã hs đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam.
Hình :Cơ sở nuôi trồng thủy sản phối hợp lấy mẫu giúp đoàn kiểm tra
Qua kết quả phân tích cho thấy 05/26 mẫu phát hiện có tồn dư kháng sinh Enrofloxacin và Ciprofloxacin, chiếm 19,23%. Điều này cho thấy tình hình sử dụng kháng sinh tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản vẫn chưa được kiểm soát tốt. Một số cơ sở vẫn còn tình trạng sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh không đúng lúc, không đúng cách, không đúng danh mục để điều trị bệnh cho thủy sản nuôi hoặc sử dụng thuốc trị bệnh của một số công ty kém chất lượng để trị bệnh cho thủy sản nuôi.
Hình: Cán bộ đoàn tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản
Qua kết quả giám sát, Chi cục tổ chức vận động, tuyên truyền các cơ sở nuôi trồng thủy sản không sử dụng các loại kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản và tác hại của việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và người tiêu dùng. Thực hiện cam kết không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản.
CBKT: Phạm Ngọc Thắng - Phòng QL Chăn nuôi & Thủy sản