Một số điểm nổi bật của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP Về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi
Ngày 21/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Trong nội dung Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có một số điểm nổi bật như sau:
Quy mô chăn nuôi
Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Nghị định này được xác định bằng số lượng đơn vị vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm, trong trường hợp cơ sở chăn nuôi hỗn hợp gồm gia súc, gia cầm và vật nuôi khác thì quy mô chăn nuôi gồm tổng số đơn vị vật nuôi của gia súc và gia cầm, số lượng từng loại vật nuôi khác.
Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được quy định như sau:
- Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên;
- Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi;
- Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi;
- Chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi.
Đơn vị vật nuôi (ĐVN) = Hệ số vật nuôi (HSVN) x Số con
Hệ số đơn vị vật nuôi, công thức chuyển đổi số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
Ví dụ một trang trại chăn nuôi gà thịt công nghiệp có tổng đàn 60.000 con sẽ là cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn vì có tổng đàn tương đương với 300 đơn vị vật nuôi (hệ số đơn vị vật nuôi của mỗi con gà công nghiệp hướng thịt theo quy định của Nghị định là 0,005).
Quản lý quy mô chăn nuôi trang trại:
- Cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn được quản lý theo quy định tại điều 23 và 24 của Nghị định này. Các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo quy định.
- Đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và nhỏ: Chính phủ giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra với tần suất kiểm tra là 03 năm một lần.
Xử lý thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng:
Điều 20 Nghị định này nêu rõ, thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng sẽ bị xử lý bằng một hoặc một số biện pháp sau:
- Buộc tái xuất: Tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định về hải quan và nộp hồ sơ tái xuất về cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi;
- Buộc tiêu hủy: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tiêu hủy phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Nội dung hợp đồng phải nêu rõ biện pháp tiêu hủy để cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi giám sát;
- Buộc tái chế: Tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện tái chế theo phương án phù hợp, đảm bảo sản phẩm sau tái chế có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố;
- Buộc chuyển mục đích sử dụng: Tổ chức, cá nhân vi phạm phải chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm theo phương án phù hợp;
- Buộc cải chính thông tin: Tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện cải chính thông tin sản phẩm theo kết quả kiểm tra thực tế trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo trước khi đưa sản phẩm ra thị trường hoặc trước khi sử dụng.
Về điều kiện thức ăn chăn nuôi:
Nghị định quy định chi tiết 02/10 điều kiện mà tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng phải đáp ứng, cụ thể như sau:
Dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với thức ăn chăn nuôi phải được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, không gây nhiễm chéo, không thôi nhiễm chất độc hại từ thiết bị sang thức ăn chăn nuôi; khu vực chứa thức ăn chăn nuôi bảo đảm thông thoáng, có đủ ánh sáng để quan sát bằng mắt thường, có giải pháp chống ẩm để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.
Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có biện pháp để kiểm soát tạp chất (cát sạn, kim loại, bụi) gây nhiễm bẩn vào sản phẩm; có biện pháp kiểm soát, phòng, chống động vật xâm nhập vào khu vực sản xuất, khu lưu trữ sản phẩm; có biện pháp phòng, chống mối mọt; có biện pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm và bảo đảm vệ sinh môi trường; có biện pháp bảo hộ, vệ sinh cho người lao động và khách tham quan khu vực sản xuất.
Về thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh, Nghị định đã quy định chi tiết tiêu chí đối với một số loại vật nuôi ở giai đoạn con non được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh được quy định như sau: Heo con có khối lượng đến 25 kg hoặc từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi; Gà, vịt, ngan, chim cút từ 01 đến 21 ngày tuổi; Thỏ từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi; Bê, nghé từ sơ sinh đến 06 tháng tuổi. Nghị định cũng nêu rõ chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ.
Sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi:
Nghị định cũng quy định cụ thể việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi được quy định như sau:
- Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh đặc biệt quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020;
- Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh rất quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021;
- Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022;
- Thuốc thú y có chứa kháng sinh không thuộc 03 quy định nêu trên, đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Về điều kiện chăn nuôi:
Nghị định dành riêng một chương quy định về điều kiện chăn nuôi gồm các nội dung như: Quy mô chăn nuôi; mật độ chăn nuôi đối với các vùng; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn; đánh giá điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn; quản lý nuôi chim yến, hươu sao và danh mục động vật khác được phép chăn nuôi.
Trong đó, mật độ chăn nuôi đối với các vùng, Nghị định quy định: Diện tích đất nông nghiệp làm căn cứ để xác định mật độ chăn nuôi bao gồm tổng diện tích các loại đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quy định thành 6 vùng để xác định mật độ chăn nuôi. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng mật độ chăn nuôi năm 2018 là 1,84 ĐVN/ha và đến năm 2030 là 1,8 ĐVN/ha.
Vùng trung du và miền núi phía Bắc mật độ chăn nuôi năm 2018 là 0,47 ĐVN/ha và đến năm 2030 là 1,0 ĐVN/ha.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung mật độ chăn nuôi năm 2018 là 0,43 ĐVN/ha và đến năm 2030 là 1,0 ĐVN/ha.
Vùng Tây Nguyên mật độ chăn nuôi năm 2018 là 0,2 ĐVN/ha và đến năm 2030 là 1,0 ĐVN/ha.
Vùng Đông Nam Bộ mật độ chăn nuôi năm 2018 là 0,76 ĐVN/ha và đến năm 2030 là 1,5 ĐVN/ha.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long mật độ chăn nuôi năm 2018 là 0,35 ĐVN/ha và đến năm 2030 là 1,0 ĐVN/ha (ký hiệu ĐVN là đơn vị vật nuôi).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 03 năm 2020./.
Phó phòng Quản lý CN-TS - Huỳnh Thị Kim Châu