Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030
Tệp đính kèm: Quyết định số 703/QĐ-TTg
Ngày 28/5/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 703/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hình: Bể sản xuất giống của trại cá Châu Tống
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Mở rộng lưu giữ khoảng 45 - 52 nghìn nguồn gen cây trồng, vật nuôi. Đánh giá và khai thác nguồn gen nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống. Nghiên cứu đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu cao với sâu và bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất giống, tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi sang thị trường các nước.
Đối với ngành trồng trọt: Đảm bảo sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1, sử dụng giống ngô lai đạt trên 95%, 100% diện tích (chè, cao su, chuối), 80 - 90% diện tích (cà phê, điều), 70 - 80% diện tích (cam, bưởi), 40 - 50% diện tích (hồ tiêu, sắn) trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; trên 95% giống nấm được sử dụng đạt tiêu chuẩn cấp 1, sản xuất giống rau trong nước đáp ứng 25 - 30% nhu cầu.
Đối với ngành lâm nghiệp: Tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt 95%.
Đối với ngành chăn nuôi: Đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với lợn đạt 95%, gia cầm đạt 85 - 90%.
Đối với ngành thủy sản: Đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, tôm thẻ chân trắng bố mẹ được sản xuất trong nước đáp ứng 30% nhu cầu, 100% giống tôm thẻ chân trắng, 100% giống cá tra và 50 - 60% giống tôm sú được kiểm soát chất lượng và sạch một số bệnh.
Chương trình ưu tiên triển khai thực hiện trên những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực quốc gia theo văn bản quy định của cấp có thẩm quyền. Đối với các cây trồng, vật nuôi khác, căn cứ yêu cầu thực tiễn, các bộ và địa phương xem xét, quyết định hỗ trợ theo chính sách của Chương trình này trong từng giai đoạn cụ thể.
Tổng mức vốn thực hiện Chương trình: 103.050 tỷ đồng.
CBKT: Phạm Ngọc Thắng - Phòng Quản lý CNTS