Hình. BLĐ Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục CNTYTS chụp hình lưu niệm với các anh, chị, em hội Chăn nuôi và Thú y
Sáng ngày 6/7, tại hội trường Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Dương, Hội Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương tổ chức lễ kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống ngành Thú y Việt Nam (11/7/1950 – 11/7/2019), họp mặt những anh, chị em đang làm công tác Thú y của tỉnh nhà cùng gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm, những truyền thống tốt đẹp của ngành. Tới buổi gặp mặt có ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; ông Trần Phú Cường, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (gọi tắc là CCCNTYTS), Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Văn Đông, Phó chi cục trưởng CCCNTYTS; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chi cục trưởng CCCNTYTS; các anh, chị, là hội viên hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Dương, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại Chi cục CNTYTS,…
Hình. Ông Trần Phú Cường-Chi cục trưởng CCCNTYTS-Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Dương ôn lịch lịch sử của Ngày truyền thống ngành Thú y
Lịch sử của Ngày truyền thống ngành Thú y Việt Nam được lấy mốc cách đây 69 năm, vào ngày 11/7/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 125 SL về phòng chống dịch gia súc, đây là văn bản pháp luật đầu tiên của ngành Thú y. Và ngày 11 tháng 7 đã được Thủ tướng Chính phủ chọn làm “Ngày truyền thống Thú y” theo Quyết định số 664/2006/QĐ-TTg. Kể từ đó đến nay, qua 69 năm, từ 11/7/1950-11/7/2019 ngành thú y Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh, ngọn lửa truyền thống như được thắp sáng thêm, chúng ta đã vững bước vượt qua nhiều khó khăn thử thách, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Dương với lực lượng nòng cốt là Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản. Ngày 01/01/1997 Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương (nay là Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) được tách ra và chính thức thành lập từ Chi cục Thú y tỉnh Sông Bé. Trong hơn 22 năm hình thành và phát triển toàn thể CCVC và người lao động của Chi cục CNTYTS đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà để xây dựng vị thế vững chắc cho ngành Thú y phát triển và hội nhập ngày hôm nay. Vị thế đó chính là truyền thống vững chắc và đáng tự hào về lớp lớp thế hệ đi trước và hiên tại luôn tâm huyết với sự nghiệp, gắn bó với ngành.
Truyền thống đó là sự quan tâm chỉ đạo, mối quan hệ phối hợp tốt đẹp giữa các ban ngành từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp cơ sở, đặc biệt là mối quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo cấp tỉnh về các chủ trương, chính sách có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành, đảm bảo được quyền lợi, lợi ích chính đáng cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, công sức cống hiến của người lao động gắn bó với ngành Thú y, điển hình là trong tình hình hiện nay công tác phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi đang diễn ra khắp các tỉnh thành trên cả nước trong đó có tỉnh Bình Dương.Truyền thống đó là tinh thần đoàn kết vượt mọi khó khăn trong công việc, không ngừng học tập trao dồi chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, không ngại mưa gió, ngày đêm, đường sá xa xôi, vắng vẻ để đến cơ sở giết mổ tập trung kiểm soát sản phẩm động vật giết mổ nhằm cung cấp thị trường tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm, đến từng hộ gia đình phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, thường xuyên tiếp xúc với những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây sang người,…
Hình. Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu, chia sẻ ý kiến tại lễ kỷ niệm
Trải qua chặng đường hơn 22 năm (1997-2019) hình thành và phát triển đầy khó khăn và thử thách, từ những ngày đầu thành lập đơn vị chỉ có khoảng 50 nhân sự trên toàn tỉnh, chưa có hệ thống thú y cơ sở, chỉ có một số lực lượng tham gia hành nghề thú y được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên. Đến năm 2001 bắt đầu có sự tham gia hoạt động mạnh của hệ thống thú y cơ sở đã góp phần cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.
Về tổ chức ngành, dù có nhiều biến động nhưng nhìn chung Bình Dương vẫn giữ được hệ thống Thú y theo ngành dọc, phát huy được nguồn lực của ngành. Trong những năm qua, Ban lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương đã quan tâm rất nhiều đến việc xây dựng đội ngũ của ngành thú y. Bộ máy của ngành ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ được trẻ hóa, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Đến nay toàn ngành đã có trên 200 công chức, viên chức và người lao động, tăng hơn 4 lần so năm 1997 khi mới tách tỉnh. Với lực lượng này giúp cho ngành Thú y đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà nước giao với nhiều thách thức và trách nhiệm nặng nề hơn.
Về tình hình phát triển chăn nuôi trước đây chủ yếu dưới hình thức chăn nuôi hộ gia đình, qui mô chăn nuôi trang trại rất ít. Đến năm 1995 xuất hiện chăn nuôi trang trại với quy mô vừa và nhỏ cùng với thị trường kinh doanh thức ăn chăn nuôi phát triển. Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch động vật xuất tỉnh cũng được triển khai thực hiện mạnh mẽ nhằm góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có trên 750 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (tổng đàn trên 650.000 con heo, gần 10 triệu con gia cầm), trong đó có 279 trang trại chăn nuôi công nghệ cao (chiếm 80% so tổng đàn gia cầm và 60% so tổng đàn gia súc). Ngoài ra, còn có 03 khu công nghệ cao chăn nuôi gia súc, gia cầm tại thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên và Phú Giáo đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, một số mô hình đã đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với bình quân của tỉnh.
Về công tác phòng chống dịch bệnh động vật, Bình Dương đã tiếp tục khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm như dịch cúm gia cầm H5N1, dịch lở mồm long móng gia súc và dịch tai xanh trên heo. Bình Dương là tỉnh đầu tiên trên cả nước xây dựng Vùng An toàn dịch (ATD) bệnh động vật đối với bệnh Lở mồm long móng và Dịch tả; ATD đối với bệnh Cúm gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay diễn biến tình hình bệnh Dịch tả heo Châu phi đang xảy ra khắp cả nước, trong đó có tỉnh Bình Dương. Công tác phòng, chống dịch bệnh đang được tập trung thực hiện quyết liệt, tinh thần nhiệt tình của lực lượng thú y đặc biệt là lực lượng nồng cốt tại địa phương không ngại khó khăn, vất vả về thời gian như ngày nghỉ, sớm, tối, nắng, mưa sát cánh cùng với người chăn nuôi và chính quyền địa phương thực hiện công tác chống dịch nhanh chóng và hiệu quả.
Về cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, ban đầu mỗi huyện, thị đều có 01 lò giết mổ gia súc của nhà nước xây dựng và một số điểm giết mổ tự phát tại nhà hộ dân nhưng đều có sự quản lý của cơ quan thú y. Đến năm 1998 được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận Chi cục đã tham gia xây dựng Đề án Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc tập trung giai đoạn 1998-2000, do thói quen của thương lái giết mổ tại nhà bước đầu gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở giết mổ đầu tiên được thành lập tại thị xã Tân Uyên, Bến Cát, Dĩ An và Tp.Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, với sự nổ lực của tập thể ngành Thú y đến năm 2007 đã có 38 cơ sở giết mổ tập trung và được cải tạo nâng lên dưới hình thức giết mổ treo nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, đã có 47 cơ sở giết mổ với qui mô mở rộng, công suất ngày càng tăng. Theo chủ trương UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1529/QĐ-UBND ngày 22/6/2016 điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 61 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2016-2020 (15 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 31 cơ sở giết mổ gia súc và 15 cơ sở giết mổ gia cầm), tăng 09 cơ sở so với quy hoạch giai đoạn 2011-2015. Tổng công suất bình quân 80 con trâu bò/ngày; 1.650 con heo/ngày và 35.750 con gia cầm/ngày.
Về công tác chẩn đoán, xét nghiệm ngày càng được ngành đầu tư nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch tại chỗ. Năm 2016, đã được Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (ASOC) công nhận ISO/IEC:17025; đến năm 2017 đã được công nhận năng lực phòng thử nghiệm đạt chuẩn theo Thông tư 16/2011/TT-BNNPTNT với 7 phép thử. Trong những năm gần đây, Chi cục đã chủ động giám sát huyết thanh định kỳ đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh đối với các bệnh Cúm gia cầm, Newcastle, LMLM, Dịch tả và Tai xanh trên heo. Qua đó có thể chẩn đoán nhanh các bệnh trên động vật, hoặc làm các xét nghiệm dịch vụ,… chủ động kiểm tra vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế động vật.
Trong ngày lễ kỷ niệm trân trọng với những gì các thế hệ đi trước xây dựng nên và quyết tâm kế thừa truyền thống tốt đẹp để phát triển ngành Thú y ngày càng vững mạnh. Với sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết, chúng ta tin rằng ngành Thú y sẽ vượt qua những khó khăn và thách thức, đáp ứng được sự tin tưởng của nhà nước và xã hội, góp phần phục vụ tốt mục tiêu phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp nói riêng và của tỉnh Bình Dương nói chung.
CBKT: Nguyễn Thành Nghiêm - Phòng Thanh tra- Pháp chế