Khó khăn trong công tác quản lý việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Chim yến là loài chim hoang dã mà con người có thể khai thác sản phẩm của quá trình sinh sản là tổ để phục vụ nhu cầu dinh dưỡng cao cấp hiện nay. Nuôi chim yến được coi là nghề “khai thác vàng trắng” bởi vì chúng tự đi kiếm ăn, tự cân bằng sinh thái bầy đàn và con người chỉ lo tạo nơi chim vào sinh sản, một nơi mà chim thấy phù hợp về mặt sinh thái để nhả rãi, bện tổ.
Ở Việt Nam chim yến hang (Aerodramus fuciphagus germani) sinh sống làm tổ trong các hang đảo tự nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện phổ biến phân loài chim yến nhà (Aerodramus fuciphagus amechanus, Aerodramus fuciphagus Vestitus) sinh sống, làm tổ trong nhà với số lượng quần đàn ngày càng tăng, phát triển nhanh chóng. Nghề nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ ở nước ta hình thành từ năm 2004 và hiện nay đã phát triển mạnh tại một số địa phương, trong đó có Bình Dương.
Theo số liệu thống kê, rà soát của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương gần đây, toàn tỉnh hiện có 79 hộ nuôi chim yến với diện tích 33.766 m2, ước tổng đàn 46.172 con. Phương thức nuôi chủ yếu là dẫn dụ thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến đến trú ngụ và làm tổ.
Trước ngày 01/07/2016, ngoại trừ Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT (Thông tư 35) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) ban hành vào ngày 22/07/2013 quy định tạm thời về quản lý chim yến thì chưa có văn bản hướng dẫn cũng như quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật nuôi chim yến cho các tỉnh, thành làm cơ sở thực hiện. Vì vậy, để bảo đảm vệ sinh và phòng, chống dịch bệnh trên đàn chim yến có hiệu quả, không gây ảnh hưởng sức khoẻ đến con người và các loại vật nuôi khác, việc quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh chủ yếu là tập trung tổ chức thực hiện theo Thông tư 35.
Ngoài ra, tại Điều 4, Thông tư 35 nêu rõ chủ cơ sở nuôi chim yến sử dụng âm thanh dẫn dụ, cường độ âm thanh không vượt quá 70 dBA trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, phải bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh.
Nhưng thực tế nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang phát triển tự phát không có định hướng với nhiều rủi ro dịch bệnh. Nếu xảy ra dịch bệnh trên chim yến, đặc biệt là bệnh cúm A/H5N1 thì nguy cơ lây nhiễm cho con người là rất lớn, nhất là đối với các trường hợp nhà nuôi chim yến tự phát tồn tại ngay giữa đô thị, khu dân cư đông đúc thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh lại càng lớn hơn. Các hộ nuôi yến lại chưa được hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật nên việc phun khử trùng nhà nuôi chim yến chưa đảm bảo thời gian quy định; đặc biệt là chưa có hộ nuôi yến nào trên địa bàn tỉnh có hồ sơ bảo vệ môi trường. Theo khảo sát của ngành thú y tỉnh thì đa số các hộ nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh không giảm âm thanh theo quy định tại Thông tư 35 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Điều đáng nói là các cơ sở này hầu hết đều nằm trong khu dân cư, sử dụng nhà ở để dẫn dụ và gây nuôi chim yến không bảo đảm an toàn vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường. Dẫn chứng cụ thể là trong thời gian vừa qua Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã nhận được một số đơn khiếu nại, phản ánh của các hộ dân trên địa bàn các xã có nuôi chim yến về việc gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là ý kiến của cử tri xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên trước kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIII về nội dung trên và đã kiến nghị tỉnh ban hành những quy định cũng như điều kiện môi trường đối với những hộ nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Hình. Cơ sở nuôi chim yến tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Đến ngày 29/06/2016 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2655/QĐ-BNN-PC về việc bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành (Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2016) trong đó có nội dung bãi bỏ Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 35. Đây là hai điều rất quan trọng trong nội dung Thông tư quy định về việc khai báo của chủ cơ sở nuôi chim yến; vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến và cường độ âm thanh cho phép để dẫn dụ chim yến.
Sau đó, vào ngày 01/07/2016 Chính Phủ ban hành Nghị định số 66/2016/NĐ-CP (Nghị định 66) quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm, nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2016. Tại khoản 2 điều 11 mục 2 của Nghị định 66 về điều kiện đầu tư kinh doanh chăn nuôi tập trung có quy định về nuôi chim yến“Đối với việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến: thiết bị phát âm thanh dẫn dụ đảm bảo không vượt quá 70 đề xi ben A”, trong nội dung không có quy định về thời gian phát âm thanh, điều này đồng nghĩa với việc có thể phát âm thanh dẫn dụ chim yến 24/24 giờ trong ngày; không có quy định vị trí xây dựng cơ sở mới cũng như các quy định kỹ thuật khác liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh nuôi chim yến.
Trước những khó khăn trong công tác quản lý việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến, đã có nhiều ý kiến cho rằng có thể áp dụng quản lý nuôi chim yến theo những điều kiện quy định vị trí đối với cơ sở chăn nuôi, điều kiện bảo vệ môi trường tại Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND (Quyết định 13) ngày 16/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc “Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương” và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT. Nhưng tại Mục 2 Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi thuộc Chương V Bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và nông thôn của Quyết định 13 không có nội dung quy định về quản lý nuôi chim yến, chỉ có quy định về quản lý chăn nuôi gia súc, gia cầm; chăn nuôi, chăm sóc động vật hoang dã tập trung. Quyết định 13 tại điều 37 – Mục 3 Quy định về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không nằm trong khu, cụm công nghiệp thuộc Chương IV Quy định về bảo vệ môi trường công nghiệp có nội dung quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh trong “trường hợp không có khoảng cách an toàn chuyên ngành thì phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường ít nhất 100 mét” và cơ sở nuôi chim yến nằm trong đối tượng áp dụng theo nội dung quy định trên.
Việc quy định thời gian sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến thì có một số ý kiến cho rằng có thể áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong đó có quy định giới hạn tối đa cho phép cụ thể về tiếng ồn ở từng khu vực khác nhau. Tuy nhiên theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn (khoản 2, điều 156), vì vậy trong việc quản lý nuôi chim yến phải áp dụng theo quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với chim yến tại Nghị định 66/2016/NĐ-CP (khoản 2 điều 11) chứ không thể áp dụng theo Quyết định 13 và QCVN 26:2010/BTNMT.
Trước những khó khăn trên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản chưa tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành quy định về việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong khi chờ đợi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành các Thông tư cụ thể hướng dẫn thực hiện Nghị định 66, đứng ở góc độ quản lý, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị, thành phố tăng cường tuyên truyền cho các hộ nuôi chim yến về tình hình dịch cúm gia cầm, nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người để họ có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân như: đeo găng tay, khẩu trang khi chăm sóc, khai thác tổ yến nhằm hạn chế nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây cho người...bên cạnh đó các Trạm phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong quá trình nuôi chim yến tại các khu dân cư dựa trên việc vận dụng các cơ sở pháp lý tại các văn bản sau:
- Nghị định 66/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào ngày 01/07/2016 (Khoản 2, điều 11): quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với chim yến.
- Nghị định số 18/ 2015/ NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/ 02/ 2015 Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (điều 18): quy định về đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
- Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 06/03/2015 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi: áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ cơ sở nuôi yến không tuân thủ theo quy định pháp luật trong quá trình nuôi.
- Thông tư 35/2013/TT-BNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành ngày 22/7/2013 quy định tạm thời về quản lý chim yến (điều 5 và điều 6): các quy định về an toàn sinh học, vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình nuôi và khai thác tổ yến.
Hàng năm, ngành thú y Bình Dương xây dựng kế hoạch lấy mẫu để giám sát tình hình dịch bệnh thường xuyên đối với các cơ sở nuôi chim yến nói riêng và chăn nuôi nói chung nhưng việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các hộ nuôi dạng nhỏ lẻ, tự phát vì đây là loài chim hoang dã được dẫn dụ để gây nuôi và đến thời điểm hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1 trên chim yến. Định hướng trong thời gian tới ngành thú y Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở nuôi yến và tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình lưu hành vi rút cúm A/H5N1 trên chim yến. Mặc khác Chi cục sẽ vận động các hộ nuôi chim yến nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, khi phát hiện có hiện tượng chim yến chết phải báo ngay cho Trạm chăn nuôi và thú y, chính quyền tại địa phương để có thể phát hiện sớm, kịp thời xử lý dịch bệnh từ chim yến./.
Huỳnh Thị Kim Châu