Tập huấn nhận thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp
Sáng ngày 16/6, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Tiêu chuẩn Chất lượng tổ chức “Tập huấn nhận thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp” với hơn 140 lượt người tham dự, bao gồm Ban giám đốc Sở, Công chức, Viên chức và người lao động toàn ngành Nông nghiệp, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các trang trại, công ty chăn nuôi gia công, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, sơ chế, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật,…
Hình. Toàn cảnh buổi tập huấn
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số (là quá trình chuyển đổi hoạt động vận hành như triết lý, mô hình, nguyên tắc, quy trình, cách thức mới thông qua việc sử dụng Công nghệ số trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực và tạo ra giá trị mới) đã trở thành nhu cầu, đòi hỏi tất yếu trong phát triển. Những năm qua, Bình Dương đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bình Dương hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển bền vững, xây dựng thành phố hiện đại, thông minh.
Trong lĩnh vực Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương đã rất quan tâm chỉ đạo sâu sát các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện chuyển đổi số đồng thời cũng tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số này. Các cấp chính quyền cũng như Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo đôn đốc thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành như: Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 5275/QĐ-BNN-VP, ngày 31/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022; Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 31/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 5681/KH-UBND ngày 08/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Kế hoạch số 378/KH-SNN, ngày 03/03/2022 về ban hành kế hoạch Thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương năm 2022; Công văn số 930/SNN-VP ngày 12/5/2022 về thực hiện đồng bộ các giải pháp Cải cách hành chính và chuyển đổi số trong quý II/2022,…
Hình. Ông Trần Phú Cường – Chi cục trưởng Chi cục CNTYTS phát biểu tại buổi tập huấn
Trong đó Ban lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong đơn vị, trong ngành theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đơn vị thường xuyên cập nhật, rà soát thủ tục hành chính phù hợp theo các văn bản cấp trên. Đã chỉ đạo đơn vị đăng ký 100% các thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, thực hiện cơ chế một cửa trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Văn phòng, giải quyết kịp thời đúng hạn 100% và trước hạn 99,99% các thủ tục hành chính. Đơn vị đang thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu của ngành nhằm thuận tiện trong quản lý, chia sẽ dữ liệu cũng như làm tiền đề để thực hiện chuyển đổi số trong toàn đơn vị. Đơn vị cũng cập nhật thường xuyên số liệu gia súc, gia cầm từ các trang trại thông qua phần mềm quản lý chăn nuôi.
Trong thời gian tới Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số tại đơn vị mình, cụ thể như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Tiếp tục thực hiện số hóa dữ liệu của cơ quan; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, tăng cường trao đổi văn bản điện tử, họp trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, xây dựng nội dung sàn thông tin điện tử trên trang thông tin điện tử của đơn vị, triển khai thực hiện chữ ký số cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị; Chuyển đổi hình thức tuyên truyền sang các nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook, youtube,...); Nghiên cứu đề xuất xây dựng các ứng dụng quản lý chăn nuôi, dịch tễ, phòng chống dịch, quản lý chó, mèo nuôi trên nền tảng điện thoại di động sẽ thuận tiện hơn; Đề xuất xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo chuỗi có sự tham gia từ người sản xuất, kinh doanh, giết mổ,sơ chế, chế biến.
Hình. Các đại biểu, khách mời thảo luận những khó khăn trong công tác triển khai chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã tích cực trao đổi, trình bày những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, đồng thời đề xuất những nội dung cần chuyển đổi số như: Áp dụng nền tảng số để quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản; quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP trên các kênh thương mại điện tử; quản lý hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; quản lý hợp tác xã, quản lý mực nước và dung tích hồ chứa thủy lợi,…
Kết thúc buổi tập huấn ông Trần Phú Cường – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phát biểu, đưa ra những gợi ý, cách thức, phương hướng thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số của ngành chăn nuôi, thú y tỉnh Bình Dương trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, ông Cường cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chi cục từng bước nhận thức, áp dụng, vận hành công tác chuyển đổi số tại đơn vị mình; các cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp vận dụng, áp dụng chuyển đổi số để tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra, tăng năng suất sản xuất và truy xuất được nguồn gốc chất lượng sản phẩm,… nhằm tăng uy tín, thương hiệu sản phẩm của cơ sở mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc triển khai, thực hiện, chấp hành tốt các chủ trương, quy định của pháp luật hiện hành./.
CBKT: Nguyễn Thành Nghiêm - Phòng Quản lý CN-TS