Kết quả thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015-2020”
Ngày 03/02/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BNN-TY về việc phê duyệt “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh” (sau đây gọi tắt là Đề án 440).
Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng được vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà tại 05 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, đáp ứng các yêu cầu về ATDB của Tổ chức Thú y thế giới (OIE); đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Căn cứ vào các nội dung của Đề án, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Đề án, bao gồm:
Kế hoạch số 3106/KH-UBND ngày 09/09/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là Kế hoạch 3106).
Quyết định số 1487/QĐ-UBND ngày 17/06/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Bình Dương giai đoạn 2015-2020.
Kết quả thực hiện trong thời gian qua như sau:
1. Đặc điểm tình hình chăn nuôi gia cầm
Theo số liệu điều tra ngày 01/10/2020 của Cục Thống kê, số liệu tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương ước đạt 11.925.000 con.
Tuy nhiên, số liệu đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản thống kê đến ngày 14/01/2021 ước đạt trên 13,5 triệu con (bao gồm chim cút); trong đó chăn nuôi quy mô trang trại chiếm tỷ lệ 89,6% và quy mô nông hộ chiếm 10,4% ; tổng đàn gà chiếm tỷ lệ 88,6% so với tổng đàn gia cầm.
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng dần qua các năm với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 7,6% / năm; trong cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm tỉnh, số lượng gia cầm chăn nuôi quy mô trang trại trung bình cao gấp 6,7 lần so với chăn nuôi quy mô nông hộ, tổng đàn gà chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 86,7% so với tổng đàn gia cầm.
Như vậy, có thể nói đặc điểm tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương là phù hợp để xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm gia cầm đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Biểu đồ 1: Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh.
2. Công tác tổ chức thực hiện
Hàng năm Chi cục đều kịp thời ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch 3106, bao gồm:
Kế hoạch số 626/KH-CCCNTYTS ngày 08/08/2016 của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản về việc thực hiện Kế hoạch số 3106/KH-UBND ngày 09/09/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015-2020.
Kế hoạch số 68/KH-CCCNTYTS ngày 22/02/2018 của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản về việc Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và bệnh Niu-cát-xơn trên gà năm 2018.
Kế hoạch số 68/KH-CCCNTYTS ngày 14/02/2019 của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản về việc Xây dựng, duy trì vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và bệnh Niu-cát-xơn trên gà năm 2019.
Kế hoạch số 65/KH-CCCNTYTS ngày 10/02/2020 của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản về việc Xây dựng, duy trì vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và bệnh Niu-cát-xơn trên gà năm 2020.
3. Tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm
Ngành chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua và thời gian sắp tới được tổ chức phát triển theo cơ cấu chăn nuôi quy mô trang trại vẫn tiếp tục là phương thức chăn nuôi chủ lực, chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn tồn tại đan xen với tỷ lệ ước tính dưới 13% tổng đàn. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hàng năm đều tăng hơn so với năm trước, với tỷ lệ tăng đàn trung bình khoảng 7,6% / năm, đảm bảo phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững trong giai đoạn 2015-2020.
Đồng thời, quy hoạch phát triển chung được thực hiện dựa trên Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Theo đó, tập trung phát triển định hướng sản xuất hàng hóa lớn đạt năng suất cao, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.
4. Củng cố mạng lưới thú y và trạm, chốt kiểm dịch
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 3691/UBND-NC ngày 26/07/2019 về việc duy trì trạm thú y cấp huyện; đến nay hệ thống ngành thú y trên địa bàn tỉnh được duy trì đủ 03 cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã (Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh, 09 Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện, nhân viên thú y cơ sở tại cấp xã). Tổng số bao gồm 17 công chức, 55 viên chức, 146 hợp đồng lao động và 91 nhân viên thú y cơ sở.
Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ duy trì hoạt động 01 Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông đường bộ theo Công văn số 3703/BNN-TY ngày 11/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật trong nước (Trạm kiểm dịch động vật Vĩnh Phú nằm trên tuyến đường quốc lộ 13 thuộc địa bàn phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Các chốt kiểm dịch khác dừng hoạt động theo chỉ đạo tại Công văn số 4618/UBND-KTN ngày 13/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc chấm dứt hoạt động các chốt kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
5. Tổ chức phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn
Tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được kiểm soát tốt đã góp phần cung ứng đầy đủ sản phẩm thịt gia cầm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; nâng cao giá trị sản phẩm thịt gia cầm đạt yêu cầu hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Hàng năm, ngoài việc ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các nội dung liên quan Đề án 440, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cũng đã kịp thời tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh (bao gồm phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn) với những nội dung trọng tâm gồm:
5.1. Tiêm phòng vắc xin
Đối với bệnh Cúm gia cầm: Cơ quan Thú y tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô nông hộ (cơ sở chăn nuôi được miễn phí vắc xin và công tiêm phòng), với tần suất tiêm là 02 đợt/năm, khoảng thời gian giữa các đợt tiêm phòng chính thực hiện tiêm phòng bổ sung. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại tự đảm bảo kinh phí, tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của Cơ quan Thú y.
Đối với bệnh Niu-cát-xơn: do chủ hộ, trại chăn nuôi tự tổ chức tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của Cơ quan Thú y.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, trung bình hàng năm Cơ quan Thú y đã trực tiếp thực hiện tiêm phòng được trên 3,3 triệu liều vắc xin Cúm gia cầm cho khoảng 1,5 triệu con gia cầm chăn nuôi theo quy mô nông hộ (kinh phí mua vắc xin từ nguồn ngân sách nhà nước); đạt trên 90% số lượng gia cầm thuộc diện phải tiêm phòng trong mỗi đợt tiêm phòng.
Biểu đồ 2: Số lượng vắc xin tiêm phòng cho đàn gia cầm quy mô nông hộ.
5.2. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ
Số lượng gia cầm được Cơ quan Thú y thực hiện kiểm dịch trước khi vận chuyển trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay là trung bình trên 53 triệu con/năm, tỷ lệ tăng hàng năm khoảng 15,8% ; số lượng kiểm soát giết mổ gia cầm trong giai đoạn này là trung bình trên 11 triệu con/năm, tỷ lệ tăng khoảng 19,5% / năm.
Biểu đồ 3: Số lượng gia cầm đã qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
Từ năm 2018 đến nay, trung bình hàng năm Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông đã kiểm tra trên 20 nghìn lượt phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra vào tỉnh.
5.3. Tuyên truyền
Trong giai đoạn thực hiện Đề án 440, ngành Thú y đã thường xuyên triển khai tuyên truyền trên diện rộng đến từng đối tượng cụ thể về các giải pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học và cảnh báo những tác hại của dịch bệnh Cúm gia cầm đối với nền kinh tế, ngành chăn nuôi.
Kết quả đến nay đã thực hiện được 142 buổi hội thảo, tập huấn; trên 5.700 tờ rơi, băng rôn và pa-nô tuyên truyền; 331 bài phát thanh, phóng sự, bài viết trên Đài phát thanh và truyền hình, Báo Bình Dương.
6. Tổ chức hoạt động giám sát dịch bệnh và công nhận an toàn dịch bệnh
6.1. Giám sát dịch bệnh
Công tác giám sát bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn đã được Cơ quan Thú y thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/05/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát sau:
Giám sát lâm sàng nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh để khoanh vùng, chống dịch kịp thời, giảm thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh cũng như hạn chế sự lây lan của bệnh. Nhân viên thú y cơ sở và người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gia cầm trong suốt quá trình nuôi, nếu thấy gia cầm có biểu hiệu của bệnh truyền nhiễm thì báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Cơ quan Thú y để tổ chức điều tra, xử lý dịch bệnh.
Kết quả cho thấy từ năm 2015 đến nay, tất cả các trường hợp xảy ra bệnh Cúm gia cầm đều được phát hiện kịp thời, không để lây lan thành dịch; không ghi nhận ổ dịch bệnh Niu-cát-xơn.
Bảng 1: Thống kê trường hợp bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2015-2020
Thời gian
|
Số huyện có bệnh
|
Số xã có bệnh
|
Số hộ có bệnh
|
Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy
|
Chủng vi rút cúm gia cầm
|
Năm 2017
|
01
|
01
|
01
|
109
|
H5N1
|
Năm 2020
|
01
|
01
|
01
|
10.400
|
H5N1
|
Giám sát sau tiêm phòng nhằm đánh giá đáp ứng miễn dịch của đàn gia cầm sau khi được tiêm vắc xin và hiệu quả sử dụng vắc xin. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Cơ quan Thú y đã thực hiện giám sát trên 19 nghìn mẫu xét nghiệm bằng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước. Kết quả giám sát cho thấy hiện nay các loại vắc xin sử dụng phòng bệnh Cúm gia cầm là phù hợp tình hình dịch tễ tại địa phương; tỷ lệ đáp ứng miễn dịch của đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh luôn đạt trên 80%.
Giám sát lưu hành vi rút: trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, bằng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, Cơ quan Thú y đã thực hiện giám sát trên 3.338 mẫu xét nghiệm bệnh Cúm gia cầm, đã phát hiện 62 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút Cúm gia cầm subtype H5 (có 61 mẫu dương tính được phát hiện trong năm 2020, là năm đầu tiên thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Cúm gia cầm, triển khai giám sát tại các điểm buôn bán gia cầm sống, ngoài các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh); giám sát trên 778 mẫu xét nghiệm bệnh Niu-cát-xơn, đã phát hiện 27 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh Niu-cát-xơn tại một số hộ chăn nuôi nhỏ.
Biểu đồ 4: Tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm (trên đàn gia cầm quy mô nông hộ).
Bảng 2: Kết quả giám sát lưu hành vi rút Cúm gia cầm
Thời gian
|
Tổng số
mẫu xét nghiệm
|
Tổng số mẫu dương tính
subtype H5
|
Năm 2016
|
433
|
0
|
Năm 2017
|
181
|
1
|
Năm 2018
|
626
|
0
|
Năm 2019
|
908
|
0
|
Năm 2020
|
1.190
|
61
|
Tổng cộng
|
3.338
|
62
|
6.2. Công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh
Hiện nay, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm để hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Năm 2018, tỉnh Bình Dương là địa phương đầu tiên trên cả nước đã có 04 vùng chăn nuôi được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh Cúm gia cầm, bệnh Niu-cát-xơn trên gà tại các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên[1].
Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có thêm 01 vùng chăn nuôi được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh Cúm gia cầm tại thị xã Bến Cát[2].
Đến ngày 31/01/2021, số lượng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm còn hiệu lực giấy chứng nhận là 176 (trên tổng số 342 vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch); trong đó có 134 trang trại chiếm tỷ lệ 75,7 % tổng số trang trại chăn nuôi gà, vịt ứng dụng công nghệ cao; cơ bản đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Bảng 3: Số lượng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn
Loại hình
|
Gà
|
Vịt
|
Tổng số
|
Cấp huyện
|
05
|
|
05
|
Cấp xã
|
47
|
|
47
|
Trang trại
|
124
|
10
|
134
|
Tổng số
|
176
|
10
|
186
|
Hình 1: Vị trí, mật độ các trang trại chăn nuôi gia cầm an toàn dịch
7. Hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm
Trên địa bàn tỉnh đến nay chưa hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm gia cầm từ chăn nuôi đến xuất khẩu. Hiện chỉ có Công ty TNHH Thực phẩm 3F Việt (ấp Kiến An, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) có chuỗi hệ thống trang trại chăn nuôi gia cầm cung cấp sản phẩm cho nhà máy giết mổ trên cùng địa bàn tỉnh, và tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, chưa được xuất khẩu.
8. Một số khó khăn, tồn tại
Dịch bệnh trên gia cầm vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh. Đồng thời chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn đan xen với chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nên dễ làm lây lan dịch bệnh.
Quá trình phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa gắn với công nghiệp chế biến toàn diện; chưa hình thành được chuỗi dự án chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến. Cụ thể do vướng rào cản về đất đai, giá đất hiện tại ở địa phương tương đối cao nên hầu hết các công ty gặp khó khăn trong việc tiếp cận tìm quỹ đất nông nghiệp có diện tích lớn, ở vị trí thuận lợi và phù hợp để xây dựng các nhà máy giết mổ, chế biến quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường.
Mặc dù chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã sản xuất ra khối lượng sản phẩm tương đối lớn so với các địa phương khác; nhưng thị trường tiêu thụ hiện chỉ phục vụ trong nước, chưa có thị trường xuất khẩu tương xứng với tiềm năng và lợi thế về giao thông, địa lý.
9. Kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới
9.1. Giải pháp quản lý nhà nước
Thường xuyên củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y các cấp theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 09/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Duy trì hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y từ cấp tỉnh đến cấp huyện, đến cấp cơ sở tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác phòng chống bệnh Cúm gia cầm.
Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y với Ủy ban nhân dân các cấp, với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục duy trì các chính sách, chủ trương đã mang lại hiệu quả rất tích cực đối với công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trong thời gian qua như: (1) chính sách hỗ trợ vắc xin và kinh phí tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh, (2) chủ trương hỗ trợ kinh phí tiêu hủy gia cầm mắc bệnh trong điều kiện chưa có quyết định công bố dịch, (3) chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tại, dịch bệnh, (4) nghị quyết về việc quy định chế độ hỗ trợ nhân viên thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển các nhà máy giết mổ, chế biến quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường.
Tăng cường xúc tiến thương mại, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gia cầm của tỉnh Bình Dương.
Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 2680/KH-UBND ngày 18/06/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về thực hiện Chương trình quốc gia giám sát bệnh Cúm gia cầm; Kế hoạch số 2491/KH-UBND ngày 29/05/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025.
9.2. Giải pháp kỹ thuật
Về quản lý chăn nuôi gia cầm: Cơ quan Thú y cùng với chính quyền địa phương định kỳ thống kê các hộ, trang trại chăn nuôi gia cầm tại địa phương theo quy định của Luật Chăn nuôi; thống kê đầy đủ về số lượng tổng đàn gia cầm đến từng khu phố, từng ấp tại các địa phương. Các tổ chức, cá nhân có chăn nuôi gia cầm phải kê khai hoạt động chăn nuôi theo điều 4 của thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.
Về thông tin tuyên truyền: đa dạng hóa, hiện đại hóa các hình thức thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như: tổ chức tọa đàm giữa Cơ quan Thú y với người chăn nuôi; thực hiện phóng sự truyền hình; bài viết trên báo điện tử; in ấn tờ rơi, pa-nô và áp phích lắp đặt ở nơi công cộng; thông tin trên mạng xã hội với những thông tin ngắn gọn, thiết thực và đúng quy định pháp luật.
Về tiêm phòng vắc xin: trên cơ sở dữ liệu chăn nuôi gia cầm đã thống kê định kỳ, Cơ quan Thú y tổ chức tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm cho các cơ sở chăn nuôi theo quy định để đảm bảo hiệu quả công tác tiêm phòng. Lưu ý đảm bảo đủ nguồn cung ứng vắc xin cần thiết cho công tác phòng chống dịch; định kỳ đánh giá chất lượng và hiệu quả các loại vắc xin để lựa chọn vắc xin sử dụng phù hợp với điều kiện dịch tễ tại địa phương.
Về giám sát bệnh: tăng cường giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm, vi rút Niu-cát-xơn trên địa bàn tỉnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch phù hợp. Tiếp tục duy trì thực hiện các chương trình giám sát bệnh đã triển khai có hiệu quả trong thời gian qua. Đề nghị các công ty, các trang trại chăn nuôi phối hợp với Cơ quan Thú y xây dựng chương trình giám sát bệnh Cúm gia cầm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Về tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Cúm gia cầm: Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Thú y cấp tỉnh được đầu tư đầy đủ trang thiết bị xét nghiệm tiên tiến, nguyên vật liệu và hóa chất để sẵn sàng phục vụ công tác xét nghiệm phòng chống bệnh Cúm gia cầm kịp thời, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm cho người. Đồng thời phải chủ động tăng cường các hoạt động xét nghiệm, thử nghiệm đối chiếu với hệ thống xét nghiệm của Cơ quan Thú y cấp trên.
9.3. Giải pháp về kinh phí
Các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, vừa và lớn (theo quy định Luật Chăn nuôi) tự đảm bảo kinh phí thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng bệnh và kinh phí giám sát bệnh Cúm gia cầm, bệnh Niu-cát-xơn theo quy định hiện hành.
Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh và giám sát bệnh Cúm gia cầm, bệnh Niu-cát-xơn theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 9 của Luật Thú y.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Đề án 440 tại tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia cầm. Mặc dù giá cả thị trường chăn nuôi còn bấp bênh nhưng ngành chăn nuôi gia cầm tỉnh Bình Dương vẫn phát triển ổn định, luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Qua đó cũng đã cho thấy hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của ngành Thú y, trên cơ sở những quan tâm, chỉ đạo, điều hành Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
Nguyễn Trung Nghĩa - TP. Quản lý dịch bệnh