Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của phòng Thanh tra – Pháp chế
1. Chức năng
Thực hiện thanh tra hành chính; thanh tra chuyên ngành; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y và thủy sản; thực hiện công tác pháp chế; Đề nghị cấp và thu hồi các loại chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm về thanh tra hành chính và các nội dung thuộc công tác chăn nuôi, thú y và thủy sản (thanh tra chuyên ngành) theo qui định của pháp luật. Tổ chức thực hiện theo chương trình kế hoạch đã được Chi cục trưởng phê duyệt;
b) Tổ chức thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Chi cục; thanh tra việc chấp hành các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, thú y (phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, thuốc thú y, hóa chất dùng trong thú y); chăn nuôi (bao gồm cả thức ăn, nguyên liệu, chất bổ sung thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi) và thủy sản (khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, giống thủy sản);
c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính về việc chấp hành chính sách, pháp luật, các nhiệm vụ được giao đối với các cá nhân, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, thuộc quyền quản lý trực tiếp của Chi Cục trưởng.
- Thực hiện thanh tra, kết luận, tham mưu quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý;
- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra theo hướng dẫn của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về chăn nuôi, thú y và thủy sản
Giúp Chi cục trưởng thực hiện nhiệm vụ tiếp dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo qui định của pháp luật; Xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo;
Tổ chức xác minh các nội dung đơn khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng theo đúng qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Theo dõi, kiểm tra việc thi hành quyết định về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
đ) Phối hợp với đơn vị tổ chức công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chính sách, pháp luật về chăn nuôi, thú y và thủy sản cho các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý Chi cục. Phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động của đơn vị;
e) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái văn bản quy phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra;
g) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, quyết định xử lý của Chi cục trưởng và các cơ quan chức năng. Tổng hợp báo cáo các kết qủa hoạt động thanh tra và việc giải quyết khiếu nại tố cáo;
h) Theo dõi và kiểm tra việc ban hành các văn bản qui định của ngành; Tham gia rà soát, đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, ngành và các văn bản được giao;
i) Phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Bộ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho thanh tra viên chuyên ngành thú y;
k) Tổng hợp, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất cho Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí của đơn vị;
l) Theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản;
m) Đề nghị cấp và thu hồi các loại chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y theo quy định của pháp luật;
n) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng giao.