Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của phòng Quản lý dịch bệnh
1. Chức năng
Tham mưu, giúp Chi cục trưởng quản lý Nhà nước về lĩnh vực quản lý dịch bệnh và thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản (gọi tắt là phòng chống dịch bệnh động vật), giám sát dịch tễ; về công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm dịch giống thủy sản; kiểm soát giết mổ; kiểm tra vệ sinh thú y: lò mổ, quầy sạp, kho lạnh, cơ sở kinh doanh chế biến sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh; giám sát vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật trên cơ sở những văn bản qui định của pháp luật và thực hiện các lĩnh vực về Thú y cộng đồng trong phạm vi của tỉnh.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
2.1 Về công tác Dịch tễ
a) Tham mưu cho Chi cục trưởng giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, qui trình kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật về những vấn đề có liên quan đến công tác thú y thuộc lĩnh vực phòng chống dịch bệnh trên cơ sở những văn bản qui định của Nhà nước;
b) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật về công tác thú y trên cơ sở chủ trương của Sở Nông nghiệp và PTNT và Cục Thú y;
c) Giúp Chi cục trưởng thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong chăn nuôi và trong sản xuất nuôi trồng thủy sản
- Đầu mối theo dõi, thống kê, tổng hợp báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh động vật;
- Xây dựng bản đồ dịch tễ trên cơ sở theo dõi, giám sát dịch bệnh, tổng hợp cơ sở dữ liệu dịch tễ thú y trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, dự án, chương trình khống chế, thanh toán dịch bệnh động vật, chương trình kiểm soát bệnh lây từ động vật sang người và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện;
- Định kỳ hàng năm xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo qui định;
- Triển khai kế hoạch tiêm phòng các bệnh bắt buộc hàng năm theo định kỳ và tiêm phòng bổ sung theo lứa tuổi; Báo cáo và đánh giá kết quả tiêm phòng sau khi kết thúc mỗi đợt tiêm phòng;
- Thực hiện nhiệm vụ triển khai kế hoạch sát trùng, tiêu độc định kỳ và đột xuất trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với các đơn vị trực thuộc thanh, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; điều tra, giám sát việc thực hiện các qui định về phòng chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tiêu độc khử trùng, xử lý ổ dịch và khắc phục hậu quả dịch bệnh, phục hồi môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau khi hết dịch bệnh;
- Kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật, đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh xảy ra trong tỉnh theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Nông nghiệp và PTNT; hướng dẫn mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là thú y cấp xã) giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các ổ dịch mới và kiểm soát các ổ dịch cũ; báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh công bố dịch và công bố hết dịch bệnh động vật;
- Kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất các bệnh động vật thuộc danh mục các bệnh phải kiểm tra theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất con giống (giống vật nuôi, giống thủy sản) trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản do Trung ương quản lý và cơ sở giống quốc gia);
- Đề nghị cấp và thu hồi giấy chứng nhận vệ sinh thú y đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật;
- Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm trong việc thẩm định điều kiện vệ sinh thú y và giám sát tình hình dịch bệnh của các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh;
- Tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật chuyên môn thú y, ứng dụng khoa học kỹ thuật có liên quan đến thú y vào sản xuất tại địa phương, tham gia các chương trình khuyến nông, chương trình nông thôn mới … khi có yêu cầu;
- Tổ chức thực hiện các nội dung về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật cho cán bộ kỹ thuật và thú y cơ sở.
d) Tham mưu Chi cục trưởng giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án, chương trình, kế hoạch xây dựng vùng/cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trong chăn nuôi và trong sản xuất nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi tắt là an toàn dịch bệnh động vật) trên địa bàn tỉnh; tổ chức, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đăng ký, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thú y, chăn nuôi và thủy sản đối với vùng/cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng phân công.
2.2 Về công tác kiểm dịch
a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật về những vấn đề công tác thú y có liên quan đến lĩnh vực Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở được sự chấp thuận của Sở Nông nghiệp và PTNT và Cục Thú y;
b) Tham mưu Chi cục Trưởng giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định quy hoạch, sắp xếp xây dựng các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các qui trình, thủ tục kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật theo quy định;
c) Đề nghị cấp và thu hồi trang phục kiểm dịch; thu hồi thẻ kiểm dịch viên động vật, biển hiệu kiểm dịch động vật theo quy định;
d) Công tác Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (bao gồm cả động vật trên cạn, dưới nước và lưỡng cư)
- Tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật lưu thông trong nước; quản lý, giám sát động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu sau thời gian cách ly kiểm dịch;
- Quản lý việc in ấn, cấp phát và thu hồi sổ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật lưu thông ngoài tỉnh;
- Đầu mối quản lý dụng cụ niêm phong phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, dấu kiểm soát giết mổ.
đ) Kiểm tra vệ sinh thú y (bao gồm cả thú y thủy sản)
- Kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật ở dạng tươi sống và sơ chế lưu thông trên thị trường; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc từ động vật; chất thải động vật tại các cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung, cơ sở giết mổ, sơ chế động vật thuộc phạm vi quản lý;
- Đề nghị cấp và thu hồi giấy chứng nhận vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng trong nước; cơ sở, cửa hàng kinh doanh động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống và sơ chế; cơ sở thành lập khu tập trung, cách ly kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo ủy quyền của Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản;
- Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y; hướng dẫn, giám sát việc thực hiện hoặc trực tiếp thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi tập trung động vật, sản phẩm động vật tham gia hội chợ, triễn lãm, biểu diễn thể thao, nghệ thuật;
- Hướng dẫn, giám sát việc thực hiện hoặc trực tiếp thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc đối với các cơ sở có hoạt động liên quan đến thú y, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng động vật, sản phẩm động vật, chất thải động vật; xử lý động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y; xử lý chất thải, phương tiện vận chuyển, các vật dụng có liên quan đến động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
- Phối hợp với các đơn vị trực thuộc thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình vệ sinh thú y, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
e) Kiểm soát giết mổ
- Tổ chức, thực hiện việc kiểm soát giết mổ động vật; sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng trong nước;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Chi cục, các ban ngành liên quan thẩm định địa điểm, điều kiện vệ sinh thú y trong quá trình xây dựng cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản sản phẩm động vật phục vụ xuất khẩu, khu cách ly kiểm dịch động vật;
- Đầu mối quản lý dấu kiểm soát giết mổ sản phẩm động vật.
2.3 Lĩnh vực Thú y cộng đồng
a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật về những vấn đề công tác thú y có liên quan đến lĩnh vực Thú y cộng đồng trên cơ sở được sự chấp thuận của Sở Nông nghiệp và PTNT và Cục Thú y;
b) Tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình kiểm soát bệnh lây từ động vật sang người;
c) Phối hợp các ngành có liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở giết mổ động vật; khu cách ly kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm động vật; cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và các hoạt động khác trong lĩnh vực thú y có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường;
d) Phối hợp với các tổ chức có liên quan thực thi quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu hoạch, đánh bắt, thu gom, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, bán buôn vận chuyển đến khi thực phẩm được đưa ra thị trường nội địa và xuất khẩu theo phân cấp.
đ) Hướng dẫn việc lấy mẫu, lưu mẫu, tiêu hủy mẫu vật thuộc diện kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật theo quy định;
g) Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh lây từ động vật sang người.
2.4 Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và các hoạt động khác có liên quan theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản;
2.5 Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, hành nghề trên địa bàn tỉnh; đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ động vật; sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm động vật và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh;
2.6 Phối hợp cùng Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông quản lý tình hình hoạt động các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh;
2.7 Đề nghị cấp và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện VSTY phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật;
2.8 Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng phân công.